Collen Mccullough ra đi… nhưng “tiếng hót” còn để lại

Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Collen Mccullough vẫn viết dù sức khỏe của bà không cho phép. Tay chân tê liệt, thị lực giảm sút nhưng người đàn bà đó vẫn viết bằng tình yêu và hơi thở của cuộc sống. Bà đã cất lên hơn một tiếng hót để rồi có những tiếng hót trong số đó hân hoan, miên man và bắc ngang qua thế kỷ ví như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”.

 
“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hốt vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được.Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy”
 
Đó là lời tựa trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Collen Mccullough – “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Có lẽ con chim đó chỉ là một truyền thuyết trong số rất nhiều những truyền thuyết và “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” cũng không hoàn toàn là một câu chuyện thực tế. Nhưng đã có một sự thật, một câu chuyện thật mang tên Collen Mccullough, một người đã từng sống những năm tháng khó khăn, mưu sinh với nhiều nghề khác nhau trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng. Và bà chắc hẳn cũng đã từng phải trải qua những nỗi đau để có được những tác phẩm tốt đẹp. Chỉ khác một điều con chim kia trải qua một nỗi đau duy nhất và cất lên tiếng hót còn Collen trải qua những nỗi đau “cung chặng” để viết lên những tác phẩm của chính mình.
 
 
7369ac143_bgmanla_pic_an21794953_v_bvkx.jpg.jpg
Collen – huyền thoại một nhà văn (Ảnh: Internet)
 
Người yêu thích văn học ắt hẳn biết đến “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” như biết đến một câu chuyện tình yêu đã trở thành một huyền thoại có đắm say, có da diết nhưng đầy nuối tiếc và tuyệt vọng. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật, tác giả và chính người độc giả. Người đọc bị cuốn hút bởi một chút tâm linh, một chút kỳ thú, lạ lẫm và cả một chút đắm say, cháy bỏng. Câu chuyện giữa Meggie và thầy Ralph đã trở thành câu chuyên tình yêu hấp dẫn biết bao thế hệ độc giả. Collen đã trở thành một tượng đài của văn học Úc chỉ với “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”.
 
Collen đã ra đi thanh thản trong sự tiếc thương, nỗi nhớ của bạn hữu, gia đình và độc giả toàn cầu – những người yêu mến và trân trọng bà. Shona Martyn – giám đốc Nhà xuất bản HarperCollins (Australia) chia sẻ rằng “Thế giới sẽ trở nên thiếu màu sắc khi mất Col” vì đơn giản Collen đã mang màu sắc đến với thế giới này, màu sắc của tình yêu, cái mà muôn màu muôn vẻ. Con chim đã làm cho thế giới này đẹp hơn nhờ tiếng hót còn Collen tô điểm thế giới này bằng chính ngòi bút của mình. Thế thì Collen có khác những con chim sơn ca, họa mi là bao đâu.
 
Nụ cười của Collen sẽ vẫn còn ở lại cùng với những tác phẩm của bà như những âm thanh hay mà khi đã nghe rồi sẽ không bao giờ quên được. “Tiếng hót” của Collen vẫn còn đây, hiện hữu trong cuộc sống văn học và Collen là một “tượng đài”.
 
Sẽ mãi mãi như thế…
 
Quang Đức

Leave a comment